Việc lắp đặt điện mặt trời còn nhiều vướng mắc do thủ tục chưa rõ ràng và áp dụng khác nhau tại các địa phương, theo VCCI.
Nhận định này được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu khi góp ý với Bộ Công Thương về dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà. Đây là loại nguồn điện được khuyến khích nhưng theo VCCI các chính sách phát triển liên quan chưa minh bạch, thống nhất và còn nhiều cách hiểu khác nhau tại mỗi địa phương.
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, người dân, doanh nghiệp khi lắp điện mặt trời mái nhà phải nộp hồ sơ xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng không nêu rõ trường hợp nào được chấp thuận, hoặc không. Điều này, theo VCCI, có thể dẫn tới sự tùy tiện trong thực thi, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Hệ thống điện áp mái không liên kết với lưới quốc gia cũng phải đăng ký với địa phương, được đánh giá là không cần thiết. VCCI nhận xét các trường hợp này đa phần dùng tấm pin nhỏ cho các thiết bị không vận hành liên tục (như máy bơm), khó tác động đến an toàn lưới điện. Vì thế họ cho là không cần quản lý bằng thủ tục hành chính.
Hay các thủ tục về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường với điện mặt trời mái nhà cũng chưa rõ ràng và áp dụng khác nhau tại các địa phương. Chẳng hạn, có địa phương coi điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng, nơi lại coi đây là thiết bị lắp thêm, dẫn đến thủ tục áp dụng khác nhau.
“Bộ Công Thương cần rà soát các quy định khi sửa để thống nhất, giúp doanh nghiệp, người dân áp dụng thuận lợi”, VCCI đề nghị.
Cũng theo dự thảo nghị định, trường hợp lắp điện mặt trời mái nhà tự sử dụng được khuyến khích phát triển. Tức, lượng điện dư sẽ không được bán cho tổ chức, cá nhân khác. Điều này đặt ra câu hỏi, các hộ trong cùng tòa nhà có được mua bán điện của nhau hay không.
Dẫn phản ánh của doanh nghiệp, VCCI cho biết việc cho phép mua bán điện trong cùng tòa nhà sẽ tạo thêm nguồn lực phát triển loại nguồn điện này, hạn chế lượng điện dư thừa và giúp cân bằng nhu cầu sử dụng của toàn hệ thống. Do đó, tổ chức này đề nghị cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp không qua lưới quốc gia.
Quy mô công suất điện mặt trời mái nhà đến 2030 là 2.600 MW, theo Quy hoạch điện VIII. Nhưng VCCI góp ý chỉ nên giới hạn công suất này với trường hợp điện mặt trời mái nhà có phát lên lưới, bởi không làm tăng công suất nguồn, giúp giảm nhu cầu dùng điện.
Tại tờ trình gửi Chính phủ hồi giữa 2023, Bộ Công Thương từng đưa ra các mô hình phát triển điện mặt trời mái nhà, nhưng khẳng định chỉ khuyến khích tự dùng tại công sở, nhà ở. Cơ quan này cũng tìm cách kiểm soát do lo ngại mất an toàn hệ thống, như đề xuất chính sách người lắp đặt chỉ có thể bán cho EVN với giá 0 đồng.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 200 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tới cuối 2023.